Sinh viên có thể có những cú sốc nhẹ khi quay trở lại trường học tập trực tiếp, điều này xuất phát từ việc thay đổi thói quen học trực tuyến. Do đó, các em cần biết cách cân bằng, tự điều chỉnh bản thân.

Diễn giả và sinh viên tham gia chương trình

Chương trình tư vấn tâm lý sinh viên “Cân bằng cảm xúc, chống sốc khi trở lại trường” vừa được Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tổ chức cho sinh viên.

Những cú sốc nhẹ

Tại chương trình, em Trần Huỳnh Tuấn Khôi (tân sinh viên khoa Chính trị - Luật) bày tỏ: “Khi quay trở lại trường học trực tiếp, bản thân em chỉ cảm thấy tương đối ổn. Vì là tân sinh viên nên em gặp cú sốc đầu đời với việc học ở trường lẫn trong cuộc sống tự lập. Phương pháp học ĐH khác hẳn bậc phổ thông khiến em bối rối trong việc tiếp cận kiến thức, nhất là khi nguồn kiến thức này rất rộng lớn. Rồi khi rời xa gia đình, sống tự lập, buộc em phải chăm sóc bản thân bằng những kỹ năng mà trước giờ em chưa có được. Hay đơn giản là vấn đề sinh hoạt phí, khi sống tự lập rồi thì mức chi tiêu phải tăng lên”. Trong khi đó, em Phạm Thị Thùy Vân (tân sinh viên khoa Chính trị - Luật) thổ lộ, ngoài những vấn đề gặp phải tương tự như bạn Trần Huỳnh Tuấn Khôi, bản thân em còn khá nhút nhát, rụt rè trong việc kết giao với những mối quan hệ bạn bè mới. Ngày đầu tiên đến trường, em cảm thấy rất xa lạ với xung quanh, thậm chí không dám bắt chuyện trước... Trước những tâm tư của sinh viên, ThS. Nguyễn Trọng Nhân (Trung tâm đào tạo Ý tưởng Việt) chia sẻ, vấn đề mà Tuấn Khôi và Thùy Vân đang gặp cũng là câu chuyện chung của rất nhiều sinh viên hiện nay. Sinh viên sau một thời gian dài học trực tuyến trở lại trường học trực tiếp chắc chắn sẽ có những lo lắng, hồi hộp; nhất là đối với các tân sinh viên. Các em có thể sẽ có những cú sốc nhẹ khi quay trở lại trường, điều này xuất phát từ việc thay đổi thói quen học trực tuyến được hình thành trong suốt mùa dịch.

Khi đi học trực tiếp trở lại, sinh viên phải thay đổi thói quen sinh hoạt và giờ giấc đến trường

Theo ThS. Nhân, một trong những thử thách đầu tiên khi sinh viên chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp chính là phải thay đổi hoàn toàn thói quen sinh hoạt. Phải thức dậy sớm, vội vã tới trường, vào lớp đúng giờ... Và việc học trực tiếp cũng sẽ có nhiều áp lực khác nữa. Chính vì vậy, kỹ năng đầu tiên các em cần thiết lập chính là quản lý thời gian. Sinh viên nên có một lịch trình hẳn hoi dựa theo thời khóa biểu của mình; từ đó, thu xếp thời gian, công việc phù hợp. Vì ngoài giờ học chính, các em còn phải chia thời gian làm việc nhóm, tự học, làm thêm, học các khóa kỹ năng… nên cần biết cân đối ưu tiên việc nào trước việc nào sau. “Đối với sinh viên, kỹ năng tự học hết sức quan trọng. Ngoài thời gian tự học tại nhà, sinh viên còn cần dành thời gian cho việc sinh hoạt cá nhân. Đặc biệt, bước vào cuộc sống tự lập, các em cần tăng cường tương tác, gọi về thăm hỏi gia đình. Việc đi học xa không có nghĩa là “ngắt” mối quan hệ với gia đình; tuy chuyển từ gần thành xa, nhưng chỉ cách biệt nhau về khoảng cách địa lý, không xa cách về tinh thần”, ThS. Nhân nói.

Mở mang các mối quan hệ

ThS. Nguyễn Trọng Nhân chia sẻ thêm, với tân sinh viên, khi chưa quen với phương pháp học ĐH, chắc chắn không tránh khỏi việc lo lắng. Ngoài lo về việc thay đổi môi trường, các em còn gặp lo lắng về mối quan hệ. Khi đó, học tập chính là cầu nối giúp sinh viên tăng cường giao kết, mở mang các mối quan hệ, xóa bỏ áp lực. Vì quá trình học tập chắc chắn sẽ có làm việc nhóm, sẽ có nhóm trưởng tập hợp thành viên lại với nhau, có thông tin liên lạc với nhau. Đồng thời, mỗi sinh viên nên tận dụng ưu điểm, phát huy thế mạnh của bản thân để tạo được điểm nhấn, thu hút sự chú ý, từ đó dễ dàng hòa nhập tập thể. Những sinh viên hướng ngoại có thể thể hiện bản thân thông qua việc xung phong nhận một nhiệm vụ nào đó trong lớp chẳng hạn. Còn những sinh viên hướng nội, trong trường hợp không kết nối được nhiều, các em có thể bắt đầu quen thân một vài người bạn, dần dần mở rộng mối quan hệ ra. “Sinh viên cần hiểu giá trị của việc kết nối với một người bạn trong lớp, vì việc này sẽ đem đến cho các em nhiều thứ như sự sẻ chia, tâm sự, hỗ trợ việc học tập, cuộc sống xa nhà, làm thêm, hoạt động xã hội…”, ThS. Nhân nói.

Với việc thiết lập mối quan hệ mới, Tuấn Khôi cho rằng thuận tiện nhất là thông qua kênh học tập. Tiếp đó là những hoạt động đội nhóm khác hoặc các buổi cà phê hàn huyên. Những điều này sẽ tạo ra mối liên kết dù lớn hay nhỏ giữa các sinh viên, từ đó giúp sinh viên tự tin, rút ngắn khoảng cách.

TT TS&TT

Theo giaoduc.edu.vn