Ngày 14/04/2025, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương tổ chức thành công chương trình phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại dành cho sinh viên và giảng viên khối ngành Kinh tế. Chương trình nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về các công cụ phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; đồng thời cung cấp thông tin về quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Về phía Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương có sự hiện diện của bà Trần Đỗ Quyên – Phó Cục trưởng; Ông Đặng Xuân Tâm – Chánh Văn phòng; Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Chánh Văn phòng và ông Nguyễn Đức Dũng – Chuyên viên.

Về phía Trường Đại học Công Thương TP.HCM có sự tham dự của TS. Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng các thầy cô là Trưởng, Phó các đơn vị, phòng ban cùng hơn 300 bạn sinh viên đến từ các chuyên ngành Kinh tế.

Phát biểu khai mạc chương trình, bà Trần Đỗ Quyên – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng lớn của lĩnh vực phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đồng thời tiếp tục mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế. Theo bà, phòng vệ thương mại là lĩnh vực mang tính chuyên môn và kỹ thuật cao, đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc cả về pháp lý lẫn thực tiễn. Tuy nhiên, đây cũng là công cụ chiến lược giúp duy trì lợi ích quốc gia, cân bằng thương mại và bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Với sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại đang tích cực triển khai công tác phổ biến kiến thức chuyên môn đến các trường đại học, góp phần định hướng thế hệ sinh viên trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc hội nhập quốc tế.

Bà Trần Đỗ Quyên – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại phát biểu khai mạc

Đại diện Nhà trường, TS. Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Nhà trường đang từng bước tích hợp nội dung về phòng vệ thương mại và pháp lý thương mại quốc tế vào chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên tư duy hội nhập, năng lực pháp lý và khả năng phản ứng linh hoạt trước các biến động của thương mại toàn cầu. Thầy nhấn mạnh, trong “kỷ nguyên vươn mình” của Việt Nam trong 10 năm tới, thương mại quốc tế sẽ giữ vai trò then chốt, và việc hiểu đúng, ứng dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ là năng lực thiết yếu mà sinh viên cần trang bị để thích ứng và phát triển”.

TS. Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại chương trình

Chương trình hội thảo tiếp nối với ba chuyên đề học thuật được chia sẻ bởi các chuyên gia đến từ Cục Phòng vệ thương mại, mang đến cho sinh viên cái nhìn toàn diện, thực tế về hệ thống phòng vệ thương mại theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và pháp luật Việt Nam. 

Trong phần trình bày của mình, với chuyên đề “ Giới thiệu tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại. Quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại tại WTO và theo pháp luật Việt Nam” bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng vệ thương mại đã hệ thống hóa kiến thức cơ bản về các loại hình biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, phần trình bày đã làm rõ các căn cứ pháp lý quốc tế và nội địa, từ đó giúp sinh viên nắm vững nguyên tắc và quy trình áp dụng các biện pháp này trong thực tiễn pháp lý và điều hành chính sách thương mại quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng vệ thương mại giới thiệu tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tiếp nối chương trình, ông Nguyễn Đức Dũng – Chuyên viên Văn phòng Cục Phòng vệ thương mại đã mang đến nội dung “Thực tiễn điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam”. Ông đi sâu vào các tình huống thực tế mà Việt Nam đã và đang đối mặt, cả trong vai trò chủ thể áp dụng biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa nhập khẩu, và là đối tượng bị các quốc gia khác điều tra, áp thuế với hàng hóa xuất khẩu. Ông làm rõ các lập luận pháp lý thường được sử dụng trong các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, cũng như quy trình và phương thức xử lý khi Việt Nam phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại từ các quốc gia đối tác. Qua các ví dụ cụ thể, giúp sinh viên hiểu được quy trình điều tra, các bước xử lý và cách thức Việt Nam xây dựng lập luận pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước. 

Ông Nguyễn Đức Dũng – Chuyên viên Văn phòng Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ về Thực tiễn điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam

Khép lại phần chuyên đề, ông Đặng Xuân Tâm – Chánh Văn phòng Cục Phòng vệ thương mại – chia sẻ về “Phòng vệ thương mại trong thời đại toàn cầu hóa – Thách thức và cơ hội”. Ông phân tích sâu sắc tác động đa chiều của các hiệp định FTA đối với doanh nghiệp Việt Nam. Với tư cách là thế hệ kế thừa, ông khuyến khích sinh viên cần nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc về các vấn đề này để đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành và nền kinh tế Việt Nam, đồng thời mở rộng cơ hội việc làm trong một lĩnh vực đang ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Ông Đặng Xuân Tâm – Chánh Văn phòng Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ về Phòng vệ thương mại trong thời đại toàn cầu hóa – Thách thức và cơ hội

Một trong những điểm nhấn đặc biệt của chương trình là phần giao lưu, hỏi – đáp giữa sinh viên và các chuyên gia. Với tinh thần cầu thị, nhiều sinh viên đã sôi nổi đặt câu hỏi xoay quanh cơ chế áp dụng các biện pháp phòng vệ trong thực tiễn, khả năng ứng phó của doanh nghiệp trước các vụ kiện thương mại quốc tế, cũng như triển vọng nghề nghiệp trong lĩnh vực pháp chế doanh nghiệp và thương mại quốc tế. Các chuyên gia đã nhiệt tình chia sẻ và cung cấp những góc nhìn thực tiễn, không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về tính ứng dụng cao của kiến thức phòng vệ thương mại mà còn mở ra định hướng phát triển sự nghiệp rõ ràng trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, pháp chế doanh nghiệp và quản lý thương mại. 


Một trong những điểm nhấn đặc biệt của chương trình là phần giao lưu, hỏi – đáp giữa sinh viên và các chuyên gia

Chương trình khép lại trong không khí sôi nổi, chuyên nghiệp và thành công tốt đẹp. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn, hỗ trợ sinh viên trong việc định hướng nghề nghiệp và tiếp cận cơ hội việc làm trong ngành thương mại và xuất nhập khẩu.

Chương trình phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại dành cho sinh viên và giảng viên khối ngành Kinh tế đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Không chỉ mang đến kiến thức cập nhật về hệ thống phòng vệ thương mại, chương trình còn tạo cầu nối học thuật vững chắc giữa sinh viên, giảng viên và các chuyên gia đầu ngành. Qua đó, sinh viên không chỉ được củng cố nền tảng pháp lý thương mại quốc tế, mà còn có cơ hội mở rộng tư duy toàn cầu, phát triển kỹ năng nghề nghiệp và sẵn sàng thích ứng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

Ban biên tập web HUIT

Hình ảnh HUIT - Media

Theo TT. ĐMST&KN